AI CŨNG CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT NHÀ TOÁN HỌC.
Ai cũng có thể trở thành một nhà toán học.
Mọi học sinh đều có thể thành công với môn toán! Nhưng không phải học sinh nào ngay từ đầu cũng đã biết cách tư duy như một nhà toán học. Đa phần các bạn chưa biết cách giải quyết vấn đề và suy nghĩ một cách logic. Dưới đây là danh sách mười điều mà mọi học sinh có thể dùng để học toán tốt hơn (và cả giải quyết vấn đề nữa!). Thực ra danh sách những điều dưới đây không phải bản thân tôi tự nhiên nghĩ ra. Nó vốn từ một tấm poster được treo trong lớp học của tôi. Không phải vì tấm poster này nhìn thích mắt mà tôi dùng nó để trang trí cho bức tường trống trơn trong lớp học (tôi là một giáo viên toán cấp ba, không phải tuýp người sáng tạo…) Khi treo nó lên tôi thật sự nghĩ nó sẽ giúp các em học sinh định hướng được nếu muốn giải quyết vấn đề thì phải làm thế nào. Điều mà mọi nhà toán học giỏi nên làm.
1. Tìm dạng bài mẫu.
Nếu bạn đang cố gắng giải một bài toán khó và không biết bắt đầu từ đâu, hãy tìm một bài toán mẫu tương tự. Thử xem có phương hướng giải quyết nào không. Toán học (và cả cuộc sống) có rất nhiều những hình mẫu. Việc thường xuyên làm các bài tập mẫu giúp các bạn định hướng được cách giải các dạng bài. Không thì ít nhất điều đó cũng giúp bạn định hình vấn đề một cách rõ ràng hơn. Và biết đâu bạn sẽ có ý tưởng thú vị để giải quyết bài toán/vấn đề đó.
2. Vẽ hình ảnh, sơ đồ hoặc biểu đồ.
Là một người học bằng hình ảnh trực quan, đây luôn là bước đầu tiên tôi làm khi giải toán. Vẽ một sơ đồ đơn giản về vấn đề, hoặc sắp xếp lại thông tin bằng bảng biểu sẽ giúp bạn nhìn ra vấn đề rõ ràng hơn. Đôi khi bạn sẽ phát hiện ra một cách giải mới hoặc một vài thông tin mà có thể bạn đã bỏ lỡ.
3. Hãy học cách ước lượng.
Về tính ứng dụng trong cuộc sống, kỹ năng này thường xuyên bị xem nhẹ. Ước lượng không phải là phỏng đoán với những con số ngẫu nhiên. Đó là là cả một sự tính toán kỹ càng và là một kỹ năng quan trọng. Việc ước lượng giúp bạn nhanh chóng xác định xem một cách giải có phù hợp với đề bài hay không. Hoặc nếu với cách làm này thì kết quả cuối cùng sẽ ra sao.
4. Đặt câu hỏi.
Thường các bạn học sinh có xu hướng bỏ cuộc ngay khi gặp một vấn đề mà mình không biết cách giải. Tuy nhiên, hãy bắt đầu học cách đặt câu hỏi dựa trên những kiến thức bản thân đã có. Ví dụ như “Bài này hỏi về vấn đề gì?” “Có thể giải bằng cách nào?”. Khi đã quen với luồng suy nghĩ và giải quyết vấn đề, bạn nên học cách đặt các câu hỏi như “Cách làm này hợp lý không?” “Cách này có giải quyết đúng vấn đề không?” “Còn cách làm nào khác không nhỉ?” “Phương án này có thể áp dụng mọi dạng bài không?” “Đổi số liệu thì bài toán sẽ ra sao?”. Đặt câu hỏi sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về vấn đề và giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn cho những tình huống bạn gặp phải trong tương lai.
5. Lập kế hoạch.
Khi gặp vấn đề, việc đầu tiên là hãy dành thời gian suy nghĩ về nó. Hãy đặt câu hỏi, sắp xếp thông tin và lập kế hoạch. Bắt đầu suy nghĩ về phương án và sau đó là lên bảng kế hoạch chi tiết. Đôi khi sẽ có những chi tiết hoặc thông tin ngoài luồng suy nghĩ giúp bạn tìm ra đáp án. Và đôi khi, có thể bạn sẽ phải thay đổi toàn bộ kế hoạch vì đi sai hướng. Những điều đó không sao cả, vì đó là một phần của toán học mà.
6. Dành đủ thời gian cho toán học.
Thường thì các bạn học sinh rất vội vàng để “hoàn thành” bài tập mà không dành thời gian để nhìn lại. Điều này dẫn đến những lỗi sai vì làm ẩu, hoặc kết quả đưa ra là đoán mò vì các bạn không thực sự biết cách làm. Hãy thử các cách làm khác nhau, cách này chưa đúng thì sẽ có cách khác. Trước khi trở thành một nhà toán học, hãy học cách nhẫn nại.
7. Kiểm tra lại.
Sau một loạt những phép tính khó nhằn, chẳng ai muốn làm lại từ đầu đến cuối cả. Nhưng xem lại cách làm đã hợp lý chưa rồi kiểm tra lại từng bước một là một việc rất quan trọng. Chẳng ai muốn đã mất công giải bài tập khó nhằn để rồi làm sai hết chỉ vì một phép tính “2+3=6”! Để trở thành một nhà toán học, bạn hãy cẩn thận từng bước một và học cách kiểm tra lại.
8. Giải thích được những gì đã làm.
Khi đã thành công giải quyết được vấn đề và kiểm tra lại tất cả những gì đã làm là chính xác, bạn hãy giải thích cách làm. Hỏi những người bạn khác xem họ có cùng cách giải như bạn không. Nếu người bạn đó có cách làm khác, hãy học hỏi lẫn nhau. Trao đổi về cùng một vấn đề giúp bạn hiểu rõ hơn những gì bản thân đã làm và hiểu được tại sao cách này lại hiệu quả. Sau đó bạn có thể áp dụng những cách làm đã được học cho những bài tập về sau. Nếu không giải thích được những gì mình đã làm, chứng tỏ bạn vẫn chưa thực sự hiểu và cần xem lại vấn đề kỹ càng hơn.
9. Sử dụng toán học để giải quyết các vấn đề hàng ngày.
Dù ở nhà, trên lớp học hay ngoài đường, quanh chúng ta luôn ẩn chứa rất nhiều bài toán. Hãy thử dùng những kỹ năng và phương pháp đã học để lập kế hoạch xử lý. Áp dụng các phương pháp cho những điều xảy ra bên ngoài lớp học giúp bạn trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề và cũng là một cách hay để hiểu hơn về môn toán. Trao đổi lại với bạn học về các ý tưởng giải quyết cùng một vấn đề xem liệu các bạn có làm giống nhau không nhé!
10. Tìm kiếm những cách mới để giải quyết vấn đề.
Điều tuyệt vời của toán học là luôn có nhiều hơn một cách để tìm ra đáp án đúng. Thử từ hai cách làm để tìm ra lời giải sẽ giúp bạn rèn luyện tư duy và trở nên giỏi toán. Đó là mục tiêu mà ta đang hướng tới, phải không nào? Thêm nữa, làm một bài toán bằng nhiều cách cũng giúp bạn kiểm tra lại những gì mình đã làm. Nếu dùng hai cách ra hai kết quả khác nhau thì bạn biết rằng hẳn mình đã sai ở đâu đó rồi. Và cuối cùng, đừng sợ sai. Đó là một điều tất yếu của quá trình học hỏi, đặc biệt là trong toán học. Đôi khi cách duy nhất để tìm ra hướng giải quyết lại là loại bỏ những phương án sai. Đừng bỏ cuộc!
Bố mẹ quan tâm đến khóa học Mathkids có thể liên hệ qua hotline 0961.362.606 của trung tâm hoặc liên hệ qua Fanpage Mathkids để nhận được tư vấn khóa học phù hợp.
Lượt đọc: 1,670