Yêu một cách tỉnh táo
Chính lòng trắc ẩn chứ không phải là kỉ luật khiến bạn trở thành một người cha/ người mẹ tốt và khiến con bạn trở thành người tốt.
9 Nguyên tắc yêu tỉnh táo
- Một đứa trẻ chỉ là một đứa trẻ
Bạn hãy học cách nhìn thế giới qua con mắt của trẻ. Hãy bỏ ngay ảo tưởng rằng con bạn là một người lớn thu nhỏ đi. Bạn sẽ nuôi dạy con tốt hơn nếu biết thừa nhận sự non nớt ở chúng. - Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan
Một đứa trẻ mang lại cho thế giới rất nhiều hy vọng và niềm vui. Hãy dạy cho con bạn biết nhìn vào những mặt trái của cuộc sống nhưng đừng bao giờ khiến chúng quá sợ hãi và biến chúng thành một người bi quan. - Nuôi dưỡng niềm hạnh phúc tự đáy lòng
Món quà lớn nhất mà bạn có thể tặng cho con mình chính là một tấm lá chắn bảo vệ niềm hạnh phúc trong đáy lòng con. Những niềm hạnh phúc ‘nhìn thấy được’ bao giờ cũng không chắc chắn và thoáng qua nếu như không có một nền tảng từ trái tim. - Bạn là thần tượng của con
Nếu bạn lúc nào cũng tỏ ra không vui hoặc cư xử, nói năng thô bạo với con thì con bạn sẽ tiếp tục cố tình thực hiện những hành vi khiến bạn không hài lòng. Đừng dạy con mình trở thành những người luôn làm người khác không vui. - Hành vi của một đứa trẻ hạnh phúc
Làm cha mẹ không phải là lúc nào cũng sửa đổi hành vi của con. Làm cho con luôn cảm thấy hạnh phúc chính là cách để khiến con bạn cư xử tốt. Thường thì con bạn sẽ trở nên ngoan ngoãn hơn nếu bạn bớt phàn nàn về hành vi của chúng hơn. - Dành nhiều thời gian cho con
Bạn khó có thể đưa ra một lý do hợp lý nào cho việc không dành thời gian cho con. Bên cạnh đó nếu bạn cố gắng dành nhiều thời gian bên con, cả bạn và con sẽ đều vui vẻ. Vì vậy, hãy cố gắng ở bên con nhiều hơn. Giành nhiều quãng thời gian ở cạnh con sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ dồn vào một thời điểm nào đó. - Sự quan tâm nuôi dưỡng sự độc lập
Trẻ càng được quan tâm thì càng độc lập. Bạn không nên lo lắng rằng bạn có thể làm hư con hoặc biến con trở thành một người dựa dẫm, phụ thuộc khi quan tâm nhiều đến con - Giữ ở thế cân bằng
Cha mẹ không nên để mình rơi vào trạng thái mắc kẹt giữa việc là một ông bố/ bà mẹ nghiêm khắc và một ông bố/ bà mẹ luôn động viên con, giữa việc bỏ qua mọi chuyện và việc phán xét mọi việc dựa trên các quy tắc. Bạn hoàn toàn có thể giữ mình ở thế cân bằng. - Cảm nhận bằng trái tim và luôn tin vào trái tim
Hãy luôn nhớ rằng: Bản năng làm cha mẹ của bạn luôn đúng. Nếu lý trí bảo bạn rằng kỉ luật thép là cần thiết thì trái tim lại mách bảo bạn rằng sự quan tâm mới là cần thiết. Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục con cái chính là người mà bạn thấy khi bạn soi gương.
Hạnh phúc sơ cấp
Niềm hạnh phúc sơ cấp bắt nguồn từ niềm tin mà tất cả các bé đều mang theo khi chào đời, đó là: cha mẹ, những người mà chúng kính yêu, tôn sùng sẽ luôn dành mọi quan tâm và chăm sóc tới những nhu cầu phát triển của chúng. Niềm hạnh phúc sơ cấp của con bạn sẽ trở thành không thể lay chuyển nổi khi con bạn thấy rằng bạn luôn yêu thương, che chở cho chúng. Khi con bạn trưởng thành, chúng sẽ lấy những hiểu biết về tình thương từ cha mẹ đó làm nguồn cho niềm hạnh phúc sơ cấp này. Một khi niềm hạnh phúc đó đã tồn tại vững trãi chong lòng con thì niềm vui mỗi ngày của chúng sẽ không còn phụ thuộc vào việc bạn có thể hay không thể đáp lại những mong mỏi tức thời của chúng vào một thời điểm nhất định nữa.
Như vậy, chúng ta thấy rằng niềm hạnh phúc sơ cấp nếu đã tồn tại thì sẽ không thay đổi theo những thăng trầm trong cuộc sống của trẻ và rằng hạnh phúc sơ cấp chính là điều quan trọng nhất trẻ cần có được. Bạn có thể đã nghe ở đâu đó rằng kỉ luật sẽ giúp xây dựng nhân cách nhưng thực ra chính những quan tâm của bạn tới con mới có tác dụng này. Và bạn sẽ thấy rằng những đứa trẻ mà thường rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản sẽ có xu hướng phát triển nhu cầu làm cho bản thân không vui.
Hạnh phúc thứ cấp
Nếu như hạnh phúc sơ cấp hình thành dựa trên mối quan hệ giữa bạn và con thì hạnh phúc thứ cấp hình thành dựa trên những hoạt động hàng ngày của trẻ (những hoạt động có thể kể ra như xây nhà bằng các khối hộp, mặc đồ cho búp bê, giải đố, chơi đàn vi-ô-lông, đánh bóng chày). Quá trình hạnh phúc sơ cấp hình thành bắt đầu khi con bạn hai tuổi và chỉ hoàn tất khi chúng ở tuổi vị thành niên. Hãy dựa trên những gì bạn đã làm trong quá trình xây dựng hạnh phúc sơ cấp cho con để tiếp tục giúp con có được hạnh phúc thứ cấp.
Trong năm đầu đời, sự hài lòng trước những mục tiêu phát triển trí tuệ, xã hội, thể chất chính là điều giúp hình thành hạnh phúc sơ cấp ở con bạn. Khi bé được cho ăn, bé hình thành hạnh phúc sơ cấp bởi vì nó củng cố niềm tin trong bé rằng bé làm cho bố mẹ phải yêu, phải chăm sóc. Nếu hạnh phúc sơ cấp hình thành khi bé đói và bạn cho bé đồ ăn thì hạnh phúc thứ cấp hình thành trong quá trình bé giúp bố mẹ chuẩn bị đồ ăn (như là trộn, quấy hoặc là đổ vào)
Cũng giống như hạnh phúc sơ cấp, hạnh phúc thứ cấp tuân theo một lộ trình phát triển nhất định. Lúc đầu, niềm hạnh phúc này không vững vàng vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng con bạn đạt được những cảm giác hài lòng mà chúng luôn khao khát. Khi ở vào tuổi vị thành niên, hạnh phúc thứ cấp có thể trở nên vững chắc như hạnh phúc sơ cấp vì lúc này con bạn đã nhận thức được rằng lựa chọn mục tiêu và theo đuổi mục tiêu thì tốt hơn là có ngay mọi thứ khi chúng muốn. Niềm hạnh phúc thứ cấp vững vàng liên quan mật thiết tới niềm vui có được trong quá trình trẻ hoạt động và theo đuổi mục đích của chúng.
Khi các bạn cùng lớp làm con bạn buồn
Nếu con bạn chưa từng bị các anh chị lớn hơn hoặc bạn hàng xóm làm cho thất vọng thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi bé đi học. Con bạn sẽ bỡ ngỡ và buồn nản vì không hiểu tại sao mình- một bé ngoan luôn được cha mẹ yêu thương lại làm các bạn khác cáu hoặc không cho chơi cùng. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy buồn lây với con khi con than vãn với bạn rằng: “Jenny không muốn chơi với con hôm nay. Bạn ấy nói bạn ấy sẽ không bao giờ chơi với con nữa.” Thế nhưng, những khoảnh khắc này lại chính là những cơ hội vàng để giúp con bạn củng cố tình yêu và niềm tin mà bé đã có với bạn, cũng như củng cố niềm hạnh phúc thứ cấp dựa cho bé, dựa trên sự thất vọng do người khác gây ra.
Bạn có thể giúp con bằng cách nói cho con biết sự khác nhau trong mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ và bản thân chúng với bạn bè. Bạn có thể nói rằng: “Mẹ biết là con bối rối và cảm thấy buồn khi mà chúng ta, ai cũng muốn chơi với con trong khi một ai đó lại nói không muốn chơi với con. Nhưng đôi khi những bạn khác không thực hiện những điều con mong muốn. Và khi điều đó xảy ra, con hãy tìm một bạn nào đó thích chơi với con. Mẹ chắc rằng nhất định có một bạn trong lớp mà con có thể chơi cùng một cách vui vẻ. Mẹ nhớ con kể là con đã chơi rất vui với Samantha.” Qua thời gian, con bạn sẽ gây dựng niềm hạnh phúc thứ cấp trong chúng từ niềm vui được chơi đùa chứ không phải là dựa trên ảo tưởng rằng chúng có thể thuyết phục tất cả các trẻ khác cùng chơi khi chúng muốn.
Cũng sẽ có những lúc con mách với bạn rằng bạn nào đó trong lớp nói những điều không hay với bé. Bạn biết không, đã có một cậu bé mách mẹ rằng: “mẹ ơi, con thích một bạn nữ ở trường và con đã nói với bạn ấy là con muốn cưới bạn ấy. Nhưng bạn ấy lại nói là sẽ không bao giờ lấy con vì da con quá sẫm.” Cha mẹ chắc hẳn cũng sẽ cảm nhận được rằng con mình đã buồn như thế nào khi nghe những điều như vậy. Trong trường hợp đó, người mẹ cần nhấn mạnh những khiếm khuyết của các bạn khác và đáp lại, chẳng hạn, như sau: “Mẹ biết là bạn ấy làm con rất buồn. Nhưng những điều bạn ấy nói là không đúng. Không có màu da nào là đẹp hay tốt hơn màu kia và người ta có thể cưới bất kỳ ai làm họ hạnh phúc.” Ý kiến của cha mẹ trong phần lớn các trường hợp là có sức nặng hơn những đánh giá của bạn bè đối với các bé ở tuổi này. Nếu bạn tỏ thái độ không đồng ý chút nào với điều bạn bé nói, bé sẽ ghi nhận.
Lượt đọc: 4,615