Xây dựng nhân cách cho con

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà việc dạy con sao cho chúng nên người thực sự là một thách thức. Con trẻ ngày nay luôn bị bủa vây bởi những lời mạn đàm chính trị, những hứa hẹn viển vông của các công ty quảng cáo, những chương trình ti-vi và những bộ phim đầy ắp các cảnh quay bạo lực, sex với những lừa lọc, rối ren. Là cha mẹ, chắc hẳn các bạn cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi bởi bạn đang cố gắng xây dựng cho con những đức tính tốt như trung thực, biết tôn trọng bản thân và những người xung quanh, khiêm tốn, dũng cảm và rộng lượng. Nhưng đừng lo lắng, bạn không đơn độc. Thách thức mà bạn đang đối mặt cũng là thách thức mà từ bao lâu nay, các nhà triết học, tâm lý học và thần học đeo đuổi và tìm cách giải quyết.

Con cái chúng ta được sinh ra với khí chất, nhu cầu và tài năng riêng biệt. Có những trẻ thích chia sẻ đồ chơi của mình với người khác và có những trẻ không thích làm thế. Có những trẻ cảm thấy nói dối là một việc làm vô cùng xấu xa trong khi những trẻ khác lại thấy vui khi làm trò lừa gạt. Có những trẻ có tính khí dè dặt, song cũng có nhiều trẻ có tính khí can đảm, kiên định rất đáng nể phục. Nhưng trên hết, dù trẻ có tính khí ra sao thì chúng đều có thể được dạy để phát huy những đức tính tốt của mình và trở thành những công dân có ích cho xã hội. Vào khoảng 350 năm trước CN, A-ris-tot đã từng viết về điều này. Ông tin rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện” và những người trưởng thành sẽ là tấm gương đạo đức cho những người trẻ hơn noi theo. Hai nghìn năm sau đó, Im-ma-nu-en Kan lại đưa ra ý kiến rằng đức hạnh ở mỗi con người có được là do rèn luyện chứ không phải tự nhiên mà có.

Cha mẹ có thể làm những gì?

Trong nhiều năm, chúng tôi thường xuyên nhận được các câu hỏi có liên quan tới việc cha mẹ có thể làm gì để giúp con mình hình thành những đức tính tốt. Một số câu hỏi có thể kể đến là “Con trai tôi rất ích kỷ, tôi có thể làm gì để dạy cháu trở thành người rộng lượng?” “Con gái tôi lúc nào cũng cáu kỉnh và hẹp hòi với bạn bè. Tôi có thể làm gì để giúp cháu nhận ra rằng cháu cần phải đối xử với mọi người bằng lòng tốt và sự tôn trọng?” và “Tôi phải làm thế nào để con tôi trung thực hơn?”

Khi chúng ta bàn đến vấn đề họ hàng, anh chị em ruột và những người làm công tác chăm sóc giáo dục trẻ cần phải là những người cho trẻ thấy những khái niệm đầu tiên về lòng can đảm, tính trung thực, sự rộng lượng, công bằng và tôn trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc làm gương cho trẻ về cách hành xử đạo đức, chúng ta còn cần khuyến khích, động viên và khen ngợi trẻ mỗi khi chúng cư xử đúng nữa.

Sự khuyến khích: Cha mẹ có thể khuyến khích con mình bằng lời nói hoặc đơn giản là bằng cách thể hiện niềm tin vào con. Nếu con có tính ích kỷ, cha mẹ có thể nói, “Mẹ tin rằng mẹ sẽ không phải nhắc nhở con hãy cư xử rộng lượng nữa. Mẹ biết con sẽ cư xử như vậy.” Cha mẹ cũng cần cho con mình thấy là họ đều biết mỗi khi con cư xử đúng. Chẳng hạn, khi bạn thấy con gái mình chia sẻ đồ chơi với các bạn, bạn hãy nói, “Mẹ thấy rồi, con đã cho bạn Joannie chơi với đồ chơi con thích nhất.” Cho dù sau câu nói đó bạn có khen con hay không thì bản thân nó cũng đã có tác dụng rất lớn rồi.

Có một nguyên tắc hành xử cơ bản thế này: Trẻ sẽ lặp lại những hành động mà khiến bố mẹ chú ý. Điều này có nghĩa là cha mẹ nên chú ý hơn tới những hành vi tốt của con chứ không phải những hành vi chưa tốt.

Phản hồi tính cách:   Có một thực tế là phần lớn các bậc cha mẹ thường xuyên đưa ra những phản hồi tính cách tiêu cực trước hành động của con mình. Với một đứa trẻ dễ nổi cáu, chúng ta thường quên rằng bé chỉ thỉnh thoảng cáu và ích kỷ thôi và chúng ta hay nói những câu như, “Tại sao lúc nào con cũng ích kỷ như vậy?”

Khi chúng ta lặp lại những phản hồi tính cách tiêu cực đó nhiều lần, con trẻ có thể sẽ dần dần tin vào điều đó. Một hậu quả có thể xảy ra là cô bé mà đã nổi nóng được nhắc đến ở trên sẽ tin mình là một “cô nàng cáu kỉnh”. Cha mẹ cần phải hiểu được rằng việc ghi nhận những hành vi ứng xử tốt của còn và đưa ra những phản hồi tính cách tích cực là vô cùng quan trọng. Hãy nói với cô bé rằng, “con là một cô bé luôn đối xử tốt với bạn bè, con yêu”-mỗi khi cô bé cư xử đúng.

Sự thiếu trung thực: Trẻ con thường hay nói dối mỗi khi chúng làm điều gì sai trái. Vì vậy, rèn luyện tính trung thực cho trẻ không phải là việc dễ. Nhưng có một thủ thuật mà cha mẹ có thể vận dụng đó là phân tách hành động sai với việc nói thật hay nói dối. Nói cách khác là mỗi khi con bạn nói thật dù đã làm sai điều gì đó, bạn hãy thưởng cho con “phần quà cho lòng trung thực”. Hoặc, nếu con bạn nói dối, hãy để cho chúng chịu trách nhiệm về cả hành động sai lầm mà chúng đã phảm phải và cả việc nói dối nữa.

Việc thiện: Nhân cách con người được phát triển nhờ những lần họ làm việc thiện. Các hoạt động giúp tạo lập những thói quen tốt cho con bạn có thể kể đến là: tình nguyện quyên góp cho ngân hàng thức ăn, giúp đỡ việc đào tạo trẻ, chọn một gia đình khó khăn và giúp đỡ họ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên bắt con làm những việc đó một mình. Hãy luôn đồng hành với con và sau đó trò chuyện với chúng. Tất nhiên là để thực hiện những việc kể trên không phải dễ, nhưng nếu bạn có thể thực hiện cùng con những việc đó thì kết quả đem lại sẽ rất tuyệt vời.

Nhân cách con người được hình thành từ gia đình và phát triển tại trường học. Là cha mẹ, bạn hãy cân nhắc xem mình có những ý tưởng xây dựng nhân cách nào hay để đóng góp cho trường của con hay không. Bạn cũng nên đóng góp ý kiến với trường về những tài liệu, hoạt động và người phát ngôn mà có thể giúp xây dựng nhân cách cho con. Hãy trò chuyện với các giáo viên, huấn luyện viên, nhân viên tư vấn, hiệu trưởng trường con bạn đang học để giúp giải quyết các thách thức trong việc phát triển nhân cách cho người trẻ ngày nay.

Lượt đọc: 7,218