Giúp đỡ con bạn xử lý tốt những thay đổi khi đi học
Thời gian trẻ bắt đầu đi học, hoặc chuyển lớp, chuyển trường, chuyển cấp, thường gắn với nhiều thay đổi. Nếu trẻ có một sự chuyển giao êm đẹp giữa việc ở nhà và đến trường cũng như giữa 2 môi trường khác nhau, thì chúng sẽ luôn tự tin về bản thân. Điều này cũng dạy chúng biết tin vào những người xung quanh. Nếu trẻ có thể hòa nhập tốt với môi trường mới thì chắc hẳn cha mẹ chúng cũng cảm thấy nhẹ nhõm và sẽ giành được nhiều thời gian hơn cho việc giáo dục con cái.
Giai đoạn chuyển giao này cũng là một cơ hội tốt để trẻ học hỏi và trưởng thành hơn. Ở giai đoạn này, cha mẹ và các chuyên gia có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ hình thành cảm giác yên tâm khi chúng tham gia vào một môi trường giáo dục mới. Dĩ nhiên, những bước ngoặt lớn như vậy luôn khiến trẻ lo lắng. Để giai đoạn này trở nên nhẹ nhàng nhất có thể, cha mẹ và thầy cô cần có sự liên lạc mật thiết.
Cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách:
- Tỏ ra háo hức và trông mong những thay đổi sắp tới. Nếu bạn vui vẻ và tự tin, con bạn cũng sẽ vui vẻ và tự tin lây.
- Lường trước những phản ứng của trẻ khi bị tách khỏi bố mẹ và nếu có thể, hãy đưa con đến thăm trường trước. Hãy giới thiệu trước với con bạn bè và cô giáo mới của chúng.
- Sắp xếp lịch đi chơi với những đứa trẻ khác trong lớp, từng bạn một và như thế, khi bước vào lớp con bạn sẽ nhìn thấy những gương mặt quen thuộc.
- Giúp con thành lập những thói quen mới để chuẩn bị cho việc đi học như đóng hộp đồ ăn trưa, sắp quần áo và đi ngủ sớm.
- Trò chuyện nhiều hơn với con và đưa con đến trường nhưng không được nói chia tay quá lâu. Nếu con bạn bắt đầu khóc và bám lấy bạn thì bạn phải lập tức đi ngay.
- Luôn luôn chào con trước khi đi. Bạn hãy tỏ ra nghiêm khắc nhưng thiện chí mỗi khi rời đi. Đừng bao giờ chế nhạo con vì con khóc nhè. Thay vào đó, bạn hãy nói những câu như “mẹ biết, nói tạm biệt bao giờ cũng khó.”
- Khi đi làm về, bạn hãy gạt sang một bên những lo lắng của mình và tập trung vào việc chăm lo cho con cái.
Các cô giáo vỡ lòng có thể giúp trẻ bằng cách:
- Đảm bảo rằng các hoạt động đưa ra là phù hợp với trẻ. Nếu được tham gia vào các hoạt động khó một chút nhưng thú vị mà vẫn phù hợp với năng lực của trẻ thì chúng sẽ cảm thấy rất thoải mái trong môi trường mới.
- Cố gắng hiểu được tính cách của mỗi trẻ càng nhanh càng tốt. Cha mẹ có thể cung cấp các thông tin về con họ như sở thích, những điều chúng ghét và những điều chúng đặc biệt quan tâm.
- Vui vẻ đón nhận những lời gợi ý từ phía gia đình học sinh, đặc biệt là từ gia đình những em cá biệt. Cha mẹ có thể đưa ra những lời gợi ý mà họ cho rằng sẽ tốt cho con họ và giúp cải thiện môi trường học tập.
- Tổ chức một buổi khai giảng và hướng dẫn mọi điều cho trẻ và phụ huynh. Hình thức tổ chức theo nhóm nhỏ sẽ giúp trẻ quen nhau dễ hơn.
- Chỉ cho trẻ thấy mọi điều về trường mới, về chương trình học và giới thiệu chúng với những người lớn khác-những người mà sẽ giúp chúng hòa nhập nhanh hơn.
- Tạo lập mối quan hệ hợp tác giữa các trường mẫu giáo, nhà trẻ và tiểu học. Tổ chức các buổi họp để chia sẻ ý kiến và những mối quan tâm.
- Thiết kế một khoảng không gian, nơi mà trẻ có thể ghé qua trong ngày và đặt ở đó những bức ảnh của bố mẹ và các thành viên trong gia đình trẻ. Ngoài ra, cũng có thể đặt ở đây các vật dụng thể hiện những trải nghiệm của các em trong lớp để giúp các em tăng cường tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Trẻ con, cũng giống như người lớn, cần có thời gian để làm quen với môi trường mới. Kinh nghiệm có thể khiến cho giai đoạn chuyển giao trở nên suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi có kinh nghiệm thì nhiều trẻ vẫn có cảm giác căng thẳng khi phải thay đổi. Sự kiên nhẫn, hiểu biết của cha mẹ và thầy cô có thể giúp trẻ học cách tiếp cận với môi trường mới một cách tự tin. Đây là một kĩ năng mà sẽ giúp trẻ có những bước chuyển khác thành công hơn trong cuộc đời.
Lượt đọc: 4,648