Trẻ em và tiền bạc
Là phụ huynh, chắc hẳn ai cũng đã từng nghe câu: Mẹ, con muốn cái này, con muốn cái kia, v.v… và một số thứ khác từ con của mình. Bởi thế sẽ không là quá sớm khi bạn dạy bé về giá trị và tầm quan trọng của giao dịch tiền tệ ngay từ khi còn nhỏ. Để giúp nhận thức về tiền tệ của bé phát triển theo đúng hướng, chúng ta hãy cùng xem xét một số mẹo vặt và lời khuyên dưới đây.
Con đường ngắn nhất để bắt đầu chính là sự trung thực, công bằng và có thái độ lành mạnh với môi trường xung quanh. Trong khi ông bà cho bé tiêu rất nhiều tiền, như thể không còn ngày mai nữa thì trách nhiệm của bạn là dạy bé hiểu về đồng tiền và những việc liên quan. Bạn có thể giúp bé phát triển khả năng quản lý tiền bạc thông qua việc sử dụng các hướng dẫn và ví dụ, những kĩ năng này sẽ song hành với bé cho đến hết cuộc đời. Nhưng trước hết, hãy hỏi từ chính bạn. Bạn có khả năng kiểm soát tốt những thói quen chi tiêu của cá nhân mình hay không? Nếu không thì đây cũng chính là cơ hội để bạn bắt đầu chỉnh sửa chính mình, luyện tập những điều mình nói để làm gương cho bé.
Hầu hết chúng ta đều không có khả năng kiểm soát cách tiêu tiền, bởi thế bạn hãy dành ra ít phút học một vài mẹo nhỏ đơn giản sau để điều chỉnh lại mình. Hãy tự hỏi bản thân mình trước khi mua mọi thứ, thứ nào là quan trọng cần thiết nhất? Hãy nghĩ đến mục tiêu tài chính của gia đình bạn trong năm tới, sau đó mở rộng, tăng dần lên 5 năm, 10 năm nữa, v.v…
Hãy dành thời gian để liệt kê một bản danh sách và đánh thứ tự ưu tiên từng hạng mục. Hãy nhớ rằng không có sự đúng hay sai ở đây, điều này chỉ là để làm sáng tỏ tiền bạc có ý nghĩa như nào với bạn và nó có thể giúp bé hiểu được giá trị của đồng tiền.
Đây là một số gợi ý:
- Nhà cửa
- Chi tiêu gia đình
- Học tập
- Du lịch và giải trí
- Tiết kiệm và Đầu tư
- Đóng góp cho từ thiện
- Chi phí đi lại
- Bảo hiểm
- Những thứ khác v.v…
Khi bạn hoàn thành bản danh sách này hãy giải thích cho bé cái nào nên làm, mục gì nên ưu tiên trước tuy nhiên không nên áp dụng các quy tắc quá cứng nhắc. Hãy để bé quen và hiểu vấn đề từ từ. Bạn có thể bắt đầu với các bé khoảng 4 tuổi và gần 4 tuổi. Trong độ tuổi này, bé bắt đầu có biểu hiện hứng thú, quan tâm đến tiền bạc. Cơ hội thực tế cho chúng ta thực hành chính là khi các bé đòi bạn mua kẹo, đồ chơi hay truyện tranh .
Khởi đầu, bạn hãy cho bé biết tiền là một công cụ để kinh doanh. Giải thích cho bé hiểu mọi người dùng tiền để kinh doanh dịch vụ và sản phẩm như nào, chỉ cho bé thấy khi họ mua cho mình một cái gì đó thực tế chính là họ đang buôn bán với người sở hữu cửa hàng và trao đổi tiền bạc để lấy thứ mình cần. Hãy để bé trả tiền cho thu ngân, sau khi rời khỏi cửa hàng, nên trò chuyện với bé về cách thức sử dụng tiền trong việc trao đổi hàng hóa. Luôn tiếp cận tiền bạc với thái độ cởi mở và trung thực, cung cấp cho bé thông tin thường xuyên và rõ ràng về tiền bạc. Giải thích với bé tại sao chúng ta có thể hoặc không thể sở hữu những món đồ mà ta ưa thích. Chúng ta không thể lúc nào cũng nói đồng ý để thỏa mãn mọi yêu cầu của bé, và khi phải nói không hãy chỉ rõ lý do như: bé đã có món đồ đó ở nhà, món đồ đó ko cần thiết, hãy để giành tiền vào những đồ cần thiết và có ích hơn…
Nếu bé thích mua nhiều đồ chơi bạn nên hạn chế số lượng, chỉ mua một món đồ chơi và yêu cầu bé chọn xem mình thực sự thích cái nào.
Việc này không làm mất nhiều thời than và nó thật sự có ích để con bạn có những khái niệm cơ bản về tiền bạc. Khi bé lớn hơn, bạn có thể giảng giải cho bé hiểu việc tiết kiệm tiền có lợi như thế nào đối với gia đình bằng cách cho bé đến siêu thị. Khi bé chọn hai sản phẩm giống nhau hoặc cùng một loại sản phẩm nhưng bé luôn có xu hướng chọn loại thuộc nhãn hiệu có tiếng, giá tiền đắt hơn, bạn nên nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu có những sản phẩm không nhất thiết phải dùng loại đắt nhất, cần chọn những thứ phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Đó là vấn đề cơ bản của việc chi tiêu khôn ngoan.
Làm thế nào để tiết kiệm?
Hãy đưa cho con bạn một ít tiền, dạy bé cách chi tiêu, tiết kiệm tất cả hoặc một số tiền đó. Nên khuyến khích bé tiêu tiền, nhưng là tiêu phù hợp chứ không phải là tiêu lung tung, tiêu vô tội vạ.
Khuyến khích bé tham gia vào các kế hoạch tiết kiệm trong gia đình như tắt vòi nước khi sử dụng xong, tắt đèn khi ra ngoài không sử dụng đến… để bé có ý thức hơn. Trẻ em thường hay bắt chước theo những gì người lớn làm, bởi thế bạn hãy gương mẫu, hãy cố gắng làm đúng như những gì bạn đã dạy chúng.
Hãy giúp con trẻ hiểu được những hiệu quả cũng như hậu quả trong việc sử dụng đồng tiền qua những bài học thực tế đến từ cuộc sống.
Translator: Vũ Lan Phương
Lượt đọc: 2,603