Dạy con việc nên và không nên

Dạy con việc có thể chấp nhận được và việc không thể chấp nhận được là cả một quá trình. Nói cách khác, bạn cần dạy bé biết tuân theo những quy định. Kỷ luật như phạt hoặc quan trọng hơn là khen thưởng cũng khuyến khích bé có việc làm tốt.

Những rào cản đối với hành vi tốt

Cha mẹ sẽ phải đối mặt với khá nhiều trở ngại khi dạy con. Có 2 kiểu bé “cứng đầu” thường gặp là:

– Những bé không biết tôn trọng và không biết lắng nghe (chúng khiến bạn phải thốt lên: “Mẹ đã nói với con nghìn lần rồi”).

– Những bé biết lắng nghe nhưng cố tình thách thức hoặc cố tình không tuân theo yêu cầu của cha mẹ.

Chấp nhận thách thức khi dạy con

Trách nhiệm của phụ huynh là nên dạy con biết “tự lực cánh sinh”, biết tôn trọng và tự kiểm soát. Người thân, cô giáo, các chuyên gia… có thể giúp đỡ nhưng trách nhiệm dạy con chính thuộc về cha mẹ. Hãy xem xét “phong cách” làm cha mẹ hiện tại của bạn là thế nào để từ đó, có cách dạy con hợp lý. Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Mỹ mô tả 3 phong cách làm cha mẹ:

– Cha mẹ tâm lý: biết linh hoạt và hợp tác với con trong việc dạy con. Đây là mẫu phụ huynh dạy con hiệu quả nhất.

– Cha mẹ độc đoán: cha mẹ có nhiều câu nói và hành vi áp đặt, chẳng hạn: “Mẹ đã nói rồi, con không được cãi, cũng không cần biết vì sao”. Đây là hình thức kém hiệu quả nhất trong quá trình nuôi dạy con cái.

– Cha mẹ nhu nhược: có thể dung túng cho thói xấu của con mà không phạt. Đây cũng là hình thức dạy con kém hiệu quả.

Chọn các cách thưởng – phạt

Các hình thức thưởng – phạt bạn chọn phải phù hợp với hành vi của bé, tuổi, tính khí của bé… Những mô hình kỷ luật dưới đây là thường gặp nhất:

Khen thưởng cho hành vi tốt: Thừa nhận hành vi tốt là cách khuyến khích bé tiếp tục phát huy hành vi này. Nói cách khác, hãy khen con bạn khi bé tích cực làm những việc mà bạn đang mong đợi.

Chỉ cho bé thấy hậu quả: Có 2 loại hậu quả mà bạn có thể chỉ cho con:

– Hậu quả tự nhiên: con của bạn làm điều gì đó không đúng và bạn hãy để bé trải nhiệm hậu quả của nó sau đó. Bé cũng không thể đổ lỗi cho những gì đã xảy ra. Ví dụ, nếu bé cố tình đập vỡ một món đồ chơi thì tất nhiên, bé sẽ không còn món đồ chơi này để chơi nữa.

Hậu quả tự nhiên có thể phát huy tác dụng khi bé cố tình phớt lờ lời cảnh báo từ cha mẹ. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng những trải nghiệm này dành cho bé là không nguy hiểm.

– Hậu quả hợp lý: Kỹ thuật này tương tự như hậu quả tự nhiên nhưng liên quan tới việc bạn giải thích và nhắc nhở bé rõ ràng cho những việc làm không thể chấp nhận được. Hậu quả liên quan trực tiếp với hành vi. Ví dụ, bạn nói với con rằng nếu bé không thu dọn đồ chơi thì những đồ chơi đó sẽ bị mẹ “tịch thu” trong vòng 3 ngày.

 

Lấy đi các ‘đặc quyền’: Đôi khi, cho bé thấy hậu quả rồi mà không thay đổi gì với hành vi xấu ở bé. Trong trường hợp này, hành vi không thể chấp nhận được ở bé sẽ bị mẹ lấy đi một “đặc ân”. Ví dụ, nếu bé cấp một không hoàn thành bài tập về nhà thì bạn sẽ không cho phép con được xem phim hoạt hình. 

Kỹ thuật này có tác dụng tốt nếu các “đặc quyền” là:

– Một cái gì đó có giá trị với bé nhà bạn.

– Lấy đi càng sớm càng tốt khi bé làm điều gì đó không đúng (nhất là với bé còn nhỏ).

Thời gian ‘cách ly’: Đề nghị bé đứng vào góc phạt nếu bé vừa làm sai điều gì hoặc bạn cần bình tĩnh với hành vi sai trái của con. Hãy chắc chắn là bạn đã trao đổi với bé về góc phạt trước đó (một chỗ yên tĩnh, nhàm chán nhưng không phải phòng ngủ hay nguy hiểm như phòng tắm). Kỹ thuật này có tác dụng khi bé đủ lớn để hiểu được mục đích bị đứng phạt (thường là khoảng 2 tuổi trở lên, với một phút cho mỗi tuổi).

Lưu ý với ‘nhục hình’: Trừng phạt vào thân thể chẳng hạn như đánh đòn không được khuyến cáo bởi Viện hàn lâm nhi khoa Mỹ hay các hiệp hội sức khỏe tâm thần. Theo đó, đánh đòn có thể dẫn tới những hành vi sau:

– Đánh đòn khiến bé hung hăng hơn.

– Đánh đòn có thể trở thành bạo lực, gây tổn hại nghiêm trọng tới bé.

– Đánh đòn có thể làm bé nghĩ rằng có thể “vô tư” đánh đập những người bạn yêu thương.

Lời khuyên để duy trì kỷ luật

Kỷ luật phải phù hợp với tính khí của con bạn: Đừng cố biến con của bạn thành một người nào đó khác hẳn với tính cách của bé (chẳng hạn, biến một em bé náo nhiệt thành một em bé hiền lành).

Giao tiếp với bé: Nên giải thích cách thưởng – phạt mà bạn định áp dụng cho con, nói rõ lý do vì sao bạn sử dụng chúng và những gì bạn hy vọng bé sẽ đạt được. Bé có thể được tham gia vào lựa chọn phần thưởng hay cách phạt thích hợp.

Hãy tôn trọng con bạn: Nếu bạn không tôn trọng con (ngay cả khi đang kỷ luật bé) thì bé sẽ có nhiều khả năng cũng không tôn trọng cha mẹ, các thành viên khác trong gia đình hay mọi người xung quanh. Hãy cư xử theo cách bạn muốn con bạn cũng cư xử với mình.

Nhất quán: Bất kỳ cách dạy con nào cũng sẽ thất bại nếu bạn không áp dụng nó liên tục và không nhất quán. Nếu bạn nói là bạn sẽ tạm tịch thu đồ chơi của bé trong vòng 2 ngày thì bạn nên làm đúng điều này.

Không phá vỡ nguyên tắc kỷ luật của bạn ngay cả khi bé có những việc làm khó chịu nơi công cộng, như mè nheo khi đi mua sắm. Nếu bạn nhân nhượng con, dù chỉ một lần thì các cơn mè nheo này sẽ còn tiếp diễn. Hãy chọn cách dạy con và áp dụng phương pháp thưởng – phạt linh hoạt theo thời gian.

Đảm bảo rằng bé đã hiểu: Trước khi phạt bé, hãy chắc chắn rằng bé đã hiểu lý do vì sao bị phạt. Đôi khi, lỗi không phải ở bé mà do cha mẹ yêu cầu bé làm những việc quá khả năng của con.

Tìm nguyên nhân cho hành vi sai trái của con: Con của bạn có thể chống đối, gây hành vi sai trái do bất ổn tâm lý, như một người bạn của bé vừa chuyển đi hoặc bé có một ngày khó chịu ở lớp mẫu giáo; hay do bé mệt, đói… Hãy tìm lý do ẩn sau việc làm không được phép của bé vì nó sẽ giúp bạn và con không phải đối mặt với những việc sai này thêm lần nữa.

Biết xin lỗi con: Nếu bạn có sai lầm, hãy xin lỗi và trung thực giải thích với bé.

Những dấu hiệu cần đưa con đi khám

Có thể, bạn sẽ phải “bó tay” trước việc rèn con vào nếp. Bạn đã cố gắng nhưng mọi cách bạn áp dụng dường như vô ích với bé nhà bạn. Hoặc bạn không biết phải làm thế nào mới dạy nổi con. Bất kể mối lo nào của bạn về con hay về chính cách dạy con của bạn, bạn nên trao đổi với một chuyên gia có chuyên môn.

Ngoài ra, những dấu hiệu sau ở bé cũng cần được cha mẹ chú ý:

– Bé có hành vi hung hăng hay phá hoại quá mức.

– Bé có dấu hiệu của tự kỷ.

– Bé gặp khó khăn về tâm lý do những biến cố trong gia đình.

Lượt đọc: 3,883