Lắng nghe và chia sẻ với trẻ
“Bố mẹ chẳng chịu nghe con nói!”
Bé nhà bạn có bao giờ hờn dỗi như vậy chưa? Giống như người lớn, bé có nhu cầu chia sẻ, thế nhưng không phải lúc nào bé cũng nhận được sự “lắng nghe” từ phía bố mẹ như mong muốn. Để lắng nghe và trò chuyện với bé tốt hơn, Hanoi FasTracKids xin giới thiệu với bố mẹ những “chìa khóa” sau.
- Mỗi khi nói chuyện, hãy có những cử chỉ khẽ chạm vào trẻ. Đừng quên gọi tên trẻ một cách âu yếm.
- Nói chuyện với trẻ phải thật nhẹ nhàng, đôi khi cần phải thì thầm để trẻ phải tập trung chú ý, trẻ rất thích như thế đấy!
- Nhìn vào mắt trẻ để thấy trẻ có hiểu vấn đề bố, mẹ đang đề cập không. Bố mẹ nên để ý tới tư thế khi nói chuyện với trẻ. Tốt nhất bố mẹ nên cúi xuống hoặc ngồi xuống đúng với tầm của trẻ.
- Luyện tập việc lắng nghe và trò chuyện thường xuyên: trò chuyện với gia đình về những điều bạn thấy trên tivi, nghe trên loa đài hoặc tình cờ quan sát được. (Chuyện trò với trẻ về trường lớp và bè bạn).
- Thể hiện sự tôn trọng trẻ với ngôn từ, ngữ điệu, cử chỉ lịch thiệp. Nếu con bạn nhận thấy được phụ huynh tôn trọng không khác gì bạn bè của phụ huynh, trẻ sẽ càng thêm tin tưởng vào bố, mẹ.
- Hãy ngợi khen trẻ khi trẻ cùng người thân trong gia đình hoàn thành xong một việc gì đó. Những lời ngợi khen sẽ tạo dựng sự tự tin cũng như làm gia tăng mối dây liên kết. Ngược lại, trẻ sẽ bị nhụt chí và cho rằng mình kém cỏi.
- Dùng các từ gợi mở như “Bố/mẹ hiểu rồi”, “Ồ”,“Kể cho bố, mẹ nghe tiếp đi”, “Không đùa đấy chứ”, “Thật à”, “Để bố/mẹ xem nào”, “Con kể lại đi, bố/mẹ muốn mình hiểu rõ hơn”.
- Tập trung tuyệt đối khi trẻ muốn trò chuyện cùng bạn. Không xem sách, xem tivi, có thái độ buồn ngủ hoặc bận rộn với những công việc khác.
- Những đứa con lúc nào cũng bé bỏng. Hãy nói “Bố/mẹ yêu con” ngay cả khi con bạn đã lớn dần lên theo năm tháng. Ghi lời yêu thương dành cho con trẻ vào bất cứ nơi nào để trẻ luôn luôn được nhắc nhở về tình yêu của cha mẹ.
Trong gia đình, có “lắng nghe” và “trò chuyện” thì bố mẹ mới hiểu bé, bé mới cảm nhận được sự chia sẻ từ bố mẹ. Các thành viên nhờ thế mà tôn trọng, gắn bó với nhau hơn. Điều bố mẹ cần phải tâm niệm là trẻ thường âm thầm ghi nhớ và bắt chước rất nhanh những hành động của người lớn. Vì thế, trước khi muốn trẻ biết “lắng nghe, chia sẻ”, hãy luyện tập để trở thành một tấm gương sáng trong nghệ thuật “lắng nghe” cho trẻ noi theo.
Lượt đọc: 4,132