Những câu chuyện cổ tích thực sự có vai trò gì?
Đã từng có một thời, mọi người cùng ngồi quanh đống lửa và kể chuyện cho nhau nghe. Những câu chuyện thường kì bí và tối tăm cũng như rừng đêm, kể về các con vật, yêu tinh lùn, tiên nữ và những nhân vật có phép màu khác nữa. Cùng với thời gian, những câu chuyện được thu thập lại và viết ra. Nhiều chuyện trong số đó đã được làm thành phim. Và rồi các bậc cha mẹ bắt đầu tự hỏi: Những câu chuyện cổ tích này là cái gì vậy? Chẳng phải chúng quá nhiều giết chóc, mưu đồ độc ác và quá đáng sợ đối với những đứa trẻ vốn ngây thơ và rất nhạy cảm với những điều chúng được nghe hay nhìn thấy? Liệu Công chúa ngủ trong rừng, Nàng bạch tuyết, Cô bé Lọ Lem hay cô Tấm, Thạch Sanh có phải là những tấm gương tốt để các bé học theo không? Nhưng những câu hỏi đó còn xa mới tới được hồi kết. Không quan trọng những hình tượng của những bà mẹ kế độc ác, cô gái trẻ sầu bi vì chưa có người yêu, hay những bà phù thủy ăn thịt người là sai lầm và không phù hợp với xã hội hiện đại đến như thế nào, những câu chuyện cổ tích vẫn tồn tại và sẽ còn tồn tại.
Và đó là một điều tốt, những chuyên gia cho rằng như vậy. “Những câu chuyện cổ tích đã vượt ra ngoài rất nhiều lo ngại của cá nhân cũng như xã hội về một tương lai nguy hiểm, bởi chúng được kể trong một không gian riêng, cô lập và an toàn, không gian của “ngày xửa ngày xưa”. ” Maria Tatar, một giáo sư lại trường cao đẳng Harvard chuyên nghiên cứu và giảng dạy về truyện cổ tích nói. “Những câu chuyện cổ tích có một vai trò rõ ràng trong việc khơi mở trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Mặc dù chúng có thể chứa nhiều bạo lực, mưu đồ độc ác, đáng sợ, nhưng điều đó không quan trọng, vai trò hỗ trợ của chúng luôn luôn tồn tại.”
Thực tế, những câu chuyện có vẻ đáng sợ với các bậc phụ huynh bao nhiêu, thì đối với góc nhìn của các học giả, chúng cũng có ích bấy nhiêu khi giúp trẻ nhỏ đối mặt với các lo sợ mà các bé chưa thể diễn đạt được. Nhà nghiên cứu nổi tiếng về tâm lý học trẻ em Bruno Bettelheim tin rằng những câu chuyện cổ tích đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ bởi nhân vật chính trong các câu chuyện – nhiều trong số đó chính là trẻ em – giống như 1 hình tượng mô phỏng khả năng vượt qua hay thậm chí dành được thành công lớn khi đối mặt với những tình huống khó khăn, xui xẻo trong một thế giới của những người lớn to khỏe hơn và nhiều khi độc ác.
Nhưng, liệu một thế giới quá thiếu thân thiện giống như những gì thể hiện trong nhiều câu chuyện cổ tích có quá đáng sợ đối với bé yêu của bạn?” Cuối cùng thì, cha mẹ mới luôn là người đánh giá tốt nhất về khả năng tiếp thu và xử lý một câu chuyện nào đó của con mình.” Patte Kelley, Giám đốc Phòng Trẻ em của Thư viện Carnegie tại Pittsburgh nói. “Ví dụ, cá nhân tôi biết rõ những cậu con trai của tôi không gặp vấn đề gì với những chuyện dân gian hay phim ảnh phép thuật cả, bởi chúng biết đó không phải là sự thật. Tôi cũng muốn khuyên các bậc cha mẹ hãy tự mình đọc các câu chuyện trước khi đọc to chúng cho con nghe, hay chuyển cuốn sách cho con đọc. Một số truyện khá quen thuộc đã bị lược bỏ một số chi tiết trong phiên bản của Disney, mà những phiên bản này thì còn quen thuộc với tất cả mọi người hơn. ”
Đừng lo ngại gì về chuyện con của bạn sẽ bị bỏ lỡ điều gì đó khi bạn quyết định kể cho bé một phiên bản mới hơn của câu chuyện về Cô bé Lọ lem chứ không phải là câu chuyện gốc (mà ở bản gốc đó có chi tiết lũ chim móc mắt của những người chị kế độc ác). Nhiều phiên bản cập nhật của các chuyện kinh điển, như Nàng tiên cá, có chứa nhiều sai khác so với bản gốc trong khi tô đậm thêm tinh thần anh hùng. Hãy tìm đến những phiên bản mà bạn thấy phù hợp nhất, và bạn có thể thay đổi và khai thác chúng thêm nữa trong khi kể cho con. Ví dụ như, theo Tatar, bạn thậm chí có thể thay thế từ Người đẹp ngủ trong rừng thành Hoàng từ ngủ trong rừng nếu thấy có ích, và sẽ là rất tốt nếu bạn giải thích thêm cho con về ý nghĩa quan trọng của sự chờ đợi. “Chúng ta hãy cứ luôn luôn thay đổi chúng,” bà nói, “Những câu chuyện này đã được kể quanh đống lửa, chứ không phải được khắc vào đá.”
Tất nhiên, hãy nhớ rằng kết quả kiểm nghiệm tốt nhất cho sự thành công của một câu chuyện cho trẻ em không phải là chúng có những bài học sâu xa không hay chúng có nguồn gốc từ đâu, mà là liệu chúng có làm lũ trẻ thích thú và đòi được nghe thêm nữa hay không. Hâu hết các chuyện cổ tích đem lại cho lũ trẻ sự thích thú, dễ chịu, khuyến khích trí tưởng tượng của chúng theo những cách riêng mà những tác giả hiện đại chỉ có thể mơ ước đến chứ không làm nổi. Vì thế hãy cầm lấy cuốn truyện của bạn, chuẩn bị để đọc cho con và hạnh phúc mãi mãi về sau.
Lượt đọc: 17,880