Giúp trẻ thành công – Phần 1

Nhiều ông bố bà mẹ thường thắc mắc về sự trưởng thành và năng lực học tập của con. Họ rất muốn giúp con học tốt, nhưng lại thường không biết phải làm gì hoặc không biết nên tiếp cận thế nào là tốt nhất. Hơn ai hết, bậc cha mẹ cần phải nhận ra rằng con đường học tập bắt đầu từ con số 0. Trẻ bắt đầu hành trình đến với việc học ngay khi còn trong bụng mẹ.

Nhiều người tin rằng gien di truyền là yếu tố quan trọng nhất quy định khả năng một đứa trẻ sau này có thành công trên con đường học thuật hay không. Tuy nhiên, gien di truyền không phải là nhân tố duy nhất quyết định sự thành công sau này của trẻ. Môi trường và kinh nghiệm cũng có vai trò rất lớn.

Não bộ của trẻ phát triển rất nhanh trong những tháng năm đầu đời. Mọi tương tác giữa trẻ và cha mẹ trong thời gian này đều có tác dụng khuyến khích sự phát triển của những khớp nhỏ được gọi là khớp thần kinh. Kể cả những trải nghiệm sớm nhất cũng có ảnh hưởng đáng kể tới bộ não non nớt đang phát triển không ngừng đó.

Trẻ nào cũng có những cách thể hiện để chỉ ra rằng trẻ đã sẵn sàng cho bước tiếp theo. Cha mẹ phải có trách nhiệm phát hiện thời điểm vàng này, đồng thời cũng cần phải nhận biết được khi nào thì phải tạm ngừng việc dạy dỗ lại trước khi sự mệt mỏi, thất vọng làm nản lòng cả đôi bên.

Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con cái, cách dạy dỗ của cha mẹ đóng một vai trò lớn trong việc trẻ trưởng thành hay thất bại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có bố mẹ năng động hơn thì thích nghi tốt hơn với môi trường xung quanh.

Khi tương tác với những người khác thông qua việc chơi đùa. Trẻ học cách tuân theo các quy luật và học những cách hành xử được xã hội chấp nhận. Các kĩ năng xã hội này sẽ theo trẻ trong suốt cuộc đời.

Phần I: Đặt trẻ trong môi trường học tập

Mỗi vấn đề của cuộc sống có thể là một cơ hội học tập. Hãy chịu khó kể chuyện, miêu tả khi nói chuyện với con. Bạn cũng nên sử dụng liên tục một hình thức để khắc sâu điều bạn muốn dạy con. Trẻ em thường học thông qua sự lặp lại, càng tiếp xúc với những bài học mà bố mẹ muốn trẻ học nhiều thì khả năng lưu giữ được thông tin càng lớn.

Hãy mô tả chi tiết các đồ vật đưa cho trẻ. Ví dụ, bố hoặc mẹ có thể nói “chăn của con đây” hoặc có thể tranh thủ cơ hội ôn lại cho trẻ bài học về màu sắc bằng cách chỉ ra: “đây là cái chăn đỏ/ vàng/ xanh da trời/ xanh lá cây của con này”.

Chẳng hạn, trẻ có thể luyện tập các kĩ năng giải quyết vấn đề khi thử nhiều cách để đi từ điểm A đến điểm B, học và rèn luyện các kĩ năng xã hội khi giao tiếp với những người lạ.

Hãy chỉ cho trẻ thấy màu của chiếc cầu trượt mà trẻ đang chơi. Hãy giúp chúng nhận ra sự khác biệt giữa các bề mặt khác nhau và những từ gọi tên các đồ vật mà trẻ đang dùng. Những sự liên hệ này gây tác động nhiều tới trẻ. Nếu trẻ có thể thực sự nhìn thấy cái mà mình đã từng nghe nói tới thì trẻ sẽ nhớ những thông tin về vật đó tốt hơn.

Cho trẻ xem ti vi không phải là một cách tốt để dạy trẻ. Song cũng có những chương trình mang tính giáo dục trên ti vi mà có tác dụng khắc sâu những gì trẻ đã học từ bố mẹ hoặc trường lớp. Bố mẹ phải quyết định xem phải sử dụng ti vi như thế nào để sao cho có tác dụng giáo dục hiệu quả nhất.

Việc chơi đùa là rất quan trọng trong cuộc đời một đứa trẻ. Thông qua những trò chơi, trẻ được phát triển các kĩ năng vận động, thẩm mỹ, các kĩ năng ngôn ngữ, từ vựng và cả các kĩ năng xã hội nữa. Chơi cũng là một bước không thể bỏ qua trong quá trình học tập.

Phần II: Dạy trẻ có kỹ năng đọc tốt

Kỹ năng đọc là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp nên thành công của trẻ sau này. Đọc tốt giúp trẻ tiết kiệm được thời gian và nắm bắt và xử lý thông tin nhanh chóng.

Kĩ năng đọc là tối cần thiết đối với việc học của trẻ cũng như việc phát triển các kĩ năng khác. Tất cả các vấn đề có liên quan tới việc giáo dục trẻ đều dựa vào khả năng đọc của trẻ và khả năng trẻ giải mã các vấn đề được đặt ra.

Học đọc là một quá trình tốn thời gian và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Các ông bố bà mẹ trước hết cần phải tìm hiểu kĩ cách trẻ học trước khi dạy. Trẻ thường rất dễ bị rơi vào tình trạng “quá tải” về thông tin khi có quá nhiều kiến thức được dạy cùng một lúc. Để dạy trẻ đọc tốt, bố mẹ phải dạy trẻ từ từ từng bước một.

Hãy bắt đầu từ những nhiệm vụ nhỏ và dần dần chuyển sang những nhiệm vụ lớn hơn. Một khi trẻ đã hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, hãy khen ngợi trẻ và giúp trẻ ghi nhớ những gì đã học được bằng cách nhắc đi nhắc lại. Hãy xác định rõ ràng điều mà bạn muốn dạy trẻ, dạy cho trẻ điều đó và kéo dài bài học cho đến hết tuần rồi mới chuyển sang bài học tiếp theo. Hãy ôn tập lại những bài học cũ lúc này hay lúc khác để trẻ khắc sâu những gì đã học.

Theo Skillforkids

Lượt đọc: 1,995