Gợi ý để giúp trẻ vừa chơi vừa học Toán tại nhà
Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con trong mọi lĩnh vực kể cả dạy Toán, vậy chúng ta sẽ giúp trẻ vừa chơi vừa học Toán tại nhà như thế nào?
Nghiên cứu đã cho thấy sự tham gia tích cực của cha mẹ trong quá trình học sẽ làm tăng cường khả năng tiến đến thành công của con trẻ. Việc học Toán cũng vậy. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng hầu hết các gia đình đều có lịch trình rất bận rộn, và sẽ thật khó để bạn dành thêm thời gian giúp con học Toán tại nhà. Hãy thử tham khảo những gợi ý dưới đây, bạn có thể sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc đưa những hoạt động toán học tuy nhỏ nhưng rất vui và bổ ích vào đời sống sinh hoạt hàng ngày và giữ chúng như một thói quen.
Trẻ em thuộc lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo thường rất say mê Toán học. Ở độ tuổi này, các con có thể dễ dàng so sánh những nhóm đồ vật khác nhau để biết được nhóm nào có số lượng nhiều hơn, và sắp xếp các nhóm từ nhỏ nhất đến lớn nhất, nhưng lại gặp khó khăn trong việc chỉ ra con số cụ thể của các nhóm đồ vật đó là bao nhiêu và chúng hơn kém nhau như thế nào. Khi đếm, trẻ có thể biết mình đã đếm đến bao nhiêu, nhưng lại không hiểu được rằng con số cuối cùng chính là tổng số. Lứa tuổi này cũng chính là lứa tuổi mà trẻ rất say mê với việc thu thập và phân loại các loại đồ vật. Sau đây là những gợi ý để bạn có thể giúp con học Toán một cách vui vẻ và dễ dàng hơn:
Cho trẻ nhiều cơ hội để tập đếm chính là vừa chơi vừa học Toán
- Hãy cho con chơi những trò chơi có liên quan tới con số trong hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đếm số bước chân, số xe tải đi qua khi trẻ được bố mẹ chở trên đường, hoặc đếm số quần áo được mẹ mang đi giặt.
- Xem lịch và đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa là đến một sự kiện nào đó.
- Trẻ có thể đếm được số mặt hàng mà bạn mua trong siêu thị. Khi bạn mua cùng một mặt hàng với số lượng nhiều (ví dụ như 10 hộp thức ăn cho mèo), bạn hãy để trẻ tập đếm 2 số một, 3 số một, hoặc nhiều hơn.
- Cho trẻ đếm số lượng tiền lẻ mà bạn cần để trả cho một mặt hàng nào đó
- Hãy quan sát cách con bạn chơi để xem sự nhận biết trình độ Toán học của con đang ở mức độ nào. Khi con đếm, con có chạm vào từng đồ vật không? Giọng của con có vang lên đồng thời với động tác của con không?
- Để trẻ chia bánh kẹo hoặc những món đồ chơi cho các thành viên trong gia đình với số lượng bằng nhau cho mỗi người.
Giúp trẻ nhận biết được mối quan hệ của kích thước và hình dạng
- Tại các cửa hàng tạp hóa, hãy để con bạn tìm kiếm các mặt hàng có hình tam giác, hình tròn, hình chữ nhật và các hình dạng khác.
- Yêu cầu con bạn xác định và phân loại những hàng hóa bạn mua theo hình dạng của hộp đựng hoặc theo kích thước.
- Tổ chức một trò chơi ngoài trời yêu cầu con bạn phải tìm đồ vật với những hình dạng khác nhau.
- Tập gấp giấy hình bông tuyết một cách đối xứng. Gập đôi một mảnh giấy hình vuông theo đường chéo để tạo thành hình tam giác, rồi gập làm đôi thêm hai lần nữa. Cắt những mảnh nhỏ từ các cạnh theo hình tròn hoặc hình kim cương, sau đó mở tờ giấy ra. Chúng ta sẽ được hình bông tuyết. Hãy thử nghiệm với nhiều cách gấp và những hình dạng khác nhau.
Dạy trẻ cách thu thập và quản lý thông tin
- Nhìn quanh nhà và tìm những nhóm đồ vật có 2 món, ví dụ như 2 chiếc tất hoặc 2 chiếc găng tay. Tiếp tục tìm kiếm những nhóm đồ vật có 3, 4, hoặc 10 món
- Phân loại quần áo theo nhiều cách khác nhau, như là theo màu sắc hoặc theo người sở hữu bộ quần áo đó.
- Đo đạc xung quanh nhà.
- Sử dụng băng dính và những tờ giấy có màu sắc khác nhau để ghép những dải giấy thành một chuỗi giấy. Khuyến khích con bạn tạo nên trình tự bằng cách lặp lại màu sắc hoặc sắp xếp theo một nguyên tắc nào đó. Hoạt động này có thể được thực hiện kết hợp với việc xem lịch và đếm ngược tới ngày một sự kiện diễn ra mà chúng tôi đã đề cập ở trên.
- Thu thập những thứ trong tự nhiên – lá cây, hòn đá, vỏ cây và những thứ tương tự. Khi về tới nhà, hãy để con bạn sắp xếp chúng theo màu sắc, kích thước hoặc chủng loại, và hỏi con những câu tương tự như: có bao nhiêu món thuộc cùng một loại?
Giúp trẻ phát triển khả năng lý luận
- Giúp con bạn suy nghĩ về sự cố định trong số lượng của một nhóm đồ vật. Đặt 6 đồng xu liên tiếp nhau, sau đó thay đổi thứ tự của chúng và hỏi con bạn: “Số lượng đồng xu có thay đổi hay không?”
- Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo yêu thích sự lặp đi lặp lại và tính khuôn mẫu, chính những điều này có thể thúc đẩy tư duy toán học. Bạn có thể dùng phương pháp vỗ tay để giúp con bạn phát hiện ra trình tự vỗ và dự đoán xem bạn sẽ tiếp tục vỗ như thế nào.
Một số trò chơi gia đình sử dụng kỹ năng toán học phù hợp với trẻ mẫu giáo
- Chơi bài để rèn luyện kỹ năng đếm và giữ điểm số.
- Chơi xúc xắc và domino giúp trẻ học cách nhận ra nhóm các dấu chấm từ 2 đến 12.
- Chơi các trò chơi sắp xếp trên bàn gỗ đòi hỏi phải đếm những hình vuông.
- Chơi X O để rèn luyện khả năng nhận ra những chuỗi 3 hoặc 4 điểm
- Chơi ghép hình
- Chơi ô ăn quan
Theo dreambox
Bạn tìm thấy chúng tôi vì bạn đang quan tâm đến việc dạy con, Toán học rất thú vị khi nhìn theo khía cạnh Toán có trong cuộc sống hàng ngày, mỗi bước bạn đi, mỗi nơi bạn đến. Và nếu bạn còn muốn khám phá thêm về phương pháp dạy Toán giúp cho con thực sự yêu Toán và giỏi Toán, hãy cùng KHÁM PHÁ chương trình MathKids, bạn ĐĂNG KÝ theo form hoặc liên hệ : 04 39411316,
Hotline 1: 093 6848629; Hotline 2: 0169 6303868; Hotline 3: 0982929815
Lượt đọc: 10,011