Đồ chơi và các hoạt động cho trẻ 3 tuổi

Khi lựa chọn một loại đồ chơi nào đó cho con, chúng ta luôn muốn chọn loại nào đơn giản nhất. Đồ chơi càng phức tạp càng khiến trẻ ít có cơ hội phát triển trí tưởng tượng và hoàn thành cuộc chơi.

Bạn có thể thấy trẻ thích dùng đồ chơi theo một cách khác so với ban đầu. Ví dụ: Bé có thể lật úp xe cút kít để làm thành một cái ghế. Khi đó, bạn hãy để bé thỏa sức chơi vui nếu như hành động này không nguy hiểm hay làm hỏng đồ, bởi bằng cách này, bé có thể rèn luyện trí tưởng tượng của mình và khả năng giải quyết vấn đề.

Hãy thử những đồ chơi và hoạt động sau đây:

–  Chơi ghép hình đơn giản: giúp bé tập trung và nhận dạng hình khối, giải quyết rắc rối gặp phải.

–  Sách: Kích thích khả năng nói và sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Con bạn giờ đã đủ tuổi để sử dụng sách giấy chứ không chỉ còn dùng bảng

–  Chơi xếp hình khối: Tăng cường khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng và dạy cho trẻ những ý niệm cơ bản nhất về toán học và vật lý.

–  Chơi đất nặn: giúp bé giải trí, tăng cường khả năng sáng tạo. Qua trò chơi này trẻ cũng học được một vài ý niệm cơ bản, ví dụ như: dù bé có nặn thành hình gì đi chăng nữa, lượng đất nặn cũng không hề thay đổi.

–  Vẽ và tô màu: Rèn luyện khả năng sáng tạo và khéo léo. Qua đó, bé có thể vẽ được mọi người ở một mức độ nào đó. Cho bé thỏa sức tô vẽ mọi thứ bé thích, dù có hơi lem luốc một chút cũng không sao.

–  Tạo đồ chơi: Bé của bạn có thể đã cầm được một chiếc kéo thủ công. Hãy giúp bé cắt dán những thứ nhỏ nhặt. Bé sẽ thấy việc dùng vải hay những vật liệu với nhiều màu sắc khác nhau là rất thú vị và hấp dẫn. Bé sẽ cần bạn giúp đỡ, nhưng hãy để bé tự làm càng nhiều càng tốt.

–  Chơi đồ hàng: Dần chiếm phần lớn thời gian của bé. Hãy cho bé dung một số dụng cụ đơn giản như một bộ ấm chén đồ chơi, hoặc một bộ đồ hang. Nếu bé không có một căn lều nhỏ để chơi, bạn có thể dung một tấm vải phủ trên mặt bàn hoặc vài cái ghế để tạo không gian cho bé.

Đôi khi bé sẽ muốn bạn cùng chơi, nhưng cũng có lúc bạn nên đứng ngoài cuộc và theo dõi bé chơi. Hãy để bé “phân vai” cho bạn. Có thể trong khi chơi, mặc dù đang “giả vờ”, bé cũng cần những sự giúp đỡ của bạn như khi dọn bàn hay nấu nướng đơn giản. Điều này sẽ khiến bé thấy mình “người lớn” hơn và kích thích tính học hỏi của bé.

–  Chơi đồ trí nhớ: Bày vài món đồ chơi ra cho bé thấy, sau đó bảo bé nhắm mắt lại và dấu đi một món và khi bé mở mắt, bạn sẽ hỏi bé món đồ chơi nào đã biến mất.

Lượt đọc: 16,027