Sự nhầm lẫn giữa nhút nhát và thiếu tự tin.

Nhiều bố mẹ cho rằng nhút nhát và thiếu tự tin là một, hoàn toàn không phải như vậy. Hiểu sai sẽ dẫn tới những quyết định sai và bỏ lỡ nhiều cơ hội học hỏi và phát triển của con. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết.

Tính nhút nhát là gì?

Người nhút nhát là người cảm thấy lo sợ hoặc rụt rè khi gặp gỡ hoặc tham gia hoạt động cùng những người khác. Những người có tính cách này thường cảm thấy bồn chồn, lo lắng khi gặp những người mới. Đôi khi những người nhút nhát cũng muốn kết nối với người khác nhưng lại do dự vì sợ bị từ chối hoặc bị đánh giá.

Trẻ nhỏ cũng vậy, bạn có thể thấy nhiều trẻ nhút nhát ở nhiều cường độ khác nhau. Một số trẻ có biểu hiện rất lo lắng sợ hãi khi tới môi trường mới, khóc to, la hét, bám bố mẹ không rời… mặc dù trẻ đã qua tuổi bế ẵm và sợ hãi khi gặp người mới. Một số trẻ thì ngại ngần, rụt rè, không dám nói gì, miễn cưỡng khi được động viên tham gia môi trường mới, 1 số trẻ thì không muốn nói chuyện hoặc giao tiếp với bạn bè hoặc người khác….

Tại sao trẻ nhút nhát?

Theo 1 số nghiên cứu, người ta cho rằng khoảng 15% trẻ sơ sinh được sinh ra có xu hướng nhút nhát. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy có sự khác biệt sinh học trong não của những người nhút nhát. Bên cạnh đó, sự nhút nhát cũng bị ảnh hưởng bởi đời sống và sự giao tiếp hàng ngày.

Là người làm giáo dục, tôi cho rằng tính nhút nhát xuất phát từ một số nguyên nhân trong đó có sự tác động từ tương tác với cha mẹ. Những đứa trẻ được bao bọc quá cũng có xu hướng nhút nhát, những trẻ có bố mẹ độc đoán quá cũng có xu hướng nhút nhát. Sự tương tác không đúng không chỉ dẫn tới việc trẻ nhút nhát mà nguy hiểm hơn là dẫn tới sự thiếu tự tin của con, chúng ta sẽ bàn tới sự tự tin trong nhiều bài tiếp theo.

Nhút nhát và thiếu tự tin có phải là một?

Sự nhút nhát trong giao tiếp có ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, tuy nhiên tôi cho rằng nhút nhát trong giao tiếp ở mức độ nhẹ không phải là yếu điểm mà bố mẹ cần lo lắng nhiều, bởi từ thực tế nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực phát triển kỹ năng cho trẻ, tôi thấy trẻ dễ dàng vượt qua giai đoạn nhút nhát thông thường khi chúng ta có một môi trường phù hợp và có những phương pháp phù hợp. Nhút nhát trong giao tiếp chỉ là 1 phần thể hiện của sự thiếu tự tin. Nhiều bố mẹ hiểu chưa đúng nên đôi khi chủ quan và có thể dẫn tới việc bỏ đi khá nhiều cơ hội học hỏi của trẻ.

Nhiều bố mẹ cho rằng trẻ nào mà chẳng nhút nhát, lớn rồi sẽ hết nhát thôi. Đúng là khi trẻ lớn hơn trẻ sẽ bớt nhút nhát, nhưng để có được sự tự tin thì khó hơn nhiều, bởi xây dựng sự tự tin cần có sự rèn luyện trong nhiều lĩnh vực, không chỉ dừng ở việc hết nhát khi gặp gỡ người lạ, biết chào hỏi hoặc vui vẻ cùng bạn bè.

Như thế nào là trẻ tự tin?

Nhiều bố mẹ cho rằng con mình rất tự tin nhưng khi tham gia vào môi trường của chúng tôi, chúng tôi lại nhận xét rằng con thiếu tự tin và bố mẹ đặt rất nhiều câu hỏi về vấn đề này.

Chúng tôi xin chia sẻ với bố mẹ rằng một đứa trẻ tự tin là đứa trẻ tin rằng mình có thể làm được điều gì đó, ngay cả khi điều đó mới mẻ, và có thể có khó khăn, tự tin còn thể hiện khi trẻ dũng cảm thử những điều mới và tiếp tục tiến lên sau khi mắc lỗi. Tự tin cũng thể hiện ở khả năng diễn đạt, trình bày những suy nghĩ của mình, dám đưa ra ý kiến phản biện và tự tin còn thể hiện ở cả việc trẻ biết lắng nghe.

nhút nhát và thiếu tự tin

Theo tôi, để thoát khỏi tình trạng nhút nhát thông thường thì chỉ cần một thời gian ngắn, nhưng để xây dựng sự tự tin cho trẻ thì cần rất nhiều nỗ lực từ bố mẹ, những người làm giáo dục, phương pháp dạy và học và cả việc tổ chức những trải nghiệm để trẻ trưởng thành và tự xây dựng sự tự tin cho mình. Sự cố gắng của bố mẹ và gia đình là điều tuyệt vời nhưng có thể chưa đủ, bởi vì ngoài sự thông thái của cha mẹ, trẻ còn cần môi trường, bạn bè, các mối quan hệ mới và đủ các tình huống để học hỏi và trưởng thành.

Thời đại mới cần những con người tự tin vào chính bản thân mình, hãy liên hệ 0961362606 hoặc ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY để được tư vấn và tham gia trải nghiệm đánh giá

Hoàng Mỹ Anh

Chuyên gia Giáo dục

Lượt đọc: 819