6 BƯỚC CHUẨN BỊ CHO CON VÀO LỚP 1 BỐ MẸ NÊN THAM KHẢO

1. Chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1

Ngay khi trong kỳ nghỉ hè của năm mẫu giáo cuối cùng, bố mẹ nên bắt đầu trò chuyện với con về việc năm sau con sẽ chuyển sang một ngôi trường mới, đặc điểm ngôi trường đó như thế nào, thậm chí nếu có thể, bố mẹ hãy đưa con đến tham quan ngôi trường mới ấy, chỉ cho con lớp học là thế nào, bàn ghế, bảng đen ra làm sao… Giải thích cho con hiểu rằng con sẽ được học thế nào ở đó. Bố mẹ cũng có thể mua trước một số sách vở, dụng cụ học tập lớp 1 cho con, giới thiệu cho con làm quen với chúng, dạy con cách thức giữ gìn những vật dụng đó như thế nào. Bố mẹ nên cố gắng giới thiệu những điều tích cực, thú vị ở trường tiểu học, thay vì doạ nạt con là trường học rất khó, không học là cô giáo phạt…

2. Cho con làm quen với nề nếp, kỷ luật ở trường tiểu học

Bố mẹ có thể trò chuyện cùng con mỗi ngày bằng những câu chuyện kể có liên quan đến môi trường học đường như: phải giữ trật tự trong lớp, phải giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài, hoặc như phải xếp hàng ngay ngắn khi vào lớp cũng như ra về, phải đứng lên chào cô khi vào lớp, tan lớp…

Bố mẹ có thể rèn luyện cho con bằng cách yêu cầu con làm một số nhiệm vụ nào đó như vẽ tranh, tô màu, đồ chữ cái… bằng cách ngồi trên bàn học ngay ngắn trong khoảng thời gian 30-45 phút. Điều này cũng giúp làm gia tăng sự tập trung chú ý cho con, rất có ích cho con khi vào lớp 1.

3. Rèn cho con các kỹ năng tự phục vụ

Thực chất, các kỹ năng này đã được hình thành từ ở trường mẫu giáo. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ còn quá cưng chiều con, cũng như giáo viên mẫu giáo, bảo mẫu đôi khi vẫn làm thay cho trẻ.

Ở trường tiểu học, các giáo viên không thể hỗ trợ con làm việc này. Do đó, bố mẹ hãy dành thời gian để rèn luyện thật thành thạo cho con như: tự thay quần áo (trong trường hợp trẻ học cả ngày với nhiều hoạt động khác nhau cần thay đổi trang phục), tự sắp xếp sách vở, dụng cụ học tập ngay ngắn vào cặp, tự đi vệ sinh, tự xúc cơm ăn…

6 BƯỚC CHUẨN BỊ CHO CON VÀO LỚP 1

4. Phát triển kỹ năng giao tiếp cho con

Chẳng hạn kỹ năng lắng nghe khi người khác nói, trả lời khi được hỏi, đặt câu hỏi cho thầy cô, bạn bè khi thắc mắc, phát âm to và rõ ràng. Đương nhiên, những điều này cũng đã được rèn từ mẫu giáo nhưng nhiều trẻ vẫn rất hạn chế, nhút nhát. Trước khi vào lớp 1, bố mẹ có thể đưa trẻ tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với nhiều người hơn để rèn cho con những kĩ năng này.

5. Phát triển năng lực tư duy cho con

Bằng cách trò chuyện, hỏi đáp với con về một số kiến thức phổ thông để kích thích sự tò mò, khám phá, tư duy rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ cho con. Bố mẹ nên kiên nhẫn làm điều này mỗi ngày, từng chút một bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ: Xem một bộ phim khoa học phổ thông cho trẻ em cùng con, đặt ra những câu hỏi để con suy nghĩ và tìm ra lời giải đáp.

6. Làm quen với mặt chữ, làm toán

Lưu ý, chỉ dừng ở mức độ làm quen như nhận diện được chữ cái, đồ theo nét có sẵn, đếm số… Có thể dạy con cách cầm bút viết, ngồi đúng tư thế, viết được tên mình dù nguệch ngoạc, mục đích là để con có thể tự ghi tên vào đồ dùng, sách vở khi cần thiết.

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên dạy con ghi nhớ những thông tin cần thiết như tên bố mẹ, địa chỉ nhà hay số điện thoại của bố mẹ để có thể sử dụng khi cần thiết.

Nếu bố mẹ có thể chuẩn bị tốt những điều trên cho con thì hãy tự tin rằng con của mình sẽ tìm thấy niềm vui ở lớp 1.

Với chương trình Rèn luyện Tư Duy và Kỹ năng cần thiết trong thời đại 4.0 cũng như với kinh nghiệm 12 năm đồng hành cùng trẻ em Việt Nam trong giai đoạn vàng từ 3-8 tuổi, học viện Bé Thông Minh có rất nhiều chương trình học cho từng độ tuổi để phát triển toàn diện bản thân đồng thời kết nối bố mẹ và các con lại gần nhau hơn. Bố mẹ quan tâm đến các khóa học của học viện Bé Thông Minh hãy liên hệ ngay Hotline: 0982929815 – 0961362606.

Lượt đọc: 536